Sắt và kẽm là 2 nguyên tố vi lượng quan trọng đối với cơ thể. Song tỉ lệ trẻ thiếu hụt 2 vi chất này tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Vậy dấu hiệu trẻ thiếu sắt và kẽm là gì? Mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Vai trò của sắt và kẽm đối với trẻ
Sắt
Sắt là chất không thể thiếu cho sự phát triển và hoạt động bình thường của tất cả các mô của cơ thể. Có tới hai phần ba lượng sắt tham gia vào hệ thống tạo hồng cầu và các tế bào hồng cầu. Sắt cần thiết cho nhiều quá trình tế bào trong não đang phát triển, đặc biệt là khi nói đến trí nhớ và khả năng học tập.
Sắt đóng vai trò quan trọng trong nhiều quá trình phát triển thần kinh và các nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng đủ sắt trong thai kỳ và thời thơ ấu đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển thần kinh.
Kẽm
Trẻ em cần kẽm để phát triển và tăng trưởng. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của tế bào, bao gồm truyền tín hiệu, biệt hóa và tăng trưởng, duy trì cân bằng nội môi và phản ứng miễn dịch.Nhờ đảm nhiệm đa chức năng mà kẽm nổi lên như một vi chất dinh dưỡng quan trọng có ý nghĩa sâu rộng đối với sức khỏe trẻ.
Tại sao trẻ thường thiếu cả sắt và kẽm?
Sắt
Thiếu sắt tiến triển theo từng giai đoạn. Ban đầu, nếu nguồn cung cấp sắt không đáp ứng đủ nhu cầu, lượng sắt dự trữ sẽ được sử dụng nhanh hơn, dẫn đến tình trạng thiếu sắt.
Một số yếu tố nguy cơ của trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi mắc chứng thiếu sắt là lượng thức ăn nạp vào không đủ, khả dụng sinh học kém, giảm hấp thu, mất máu, bệnh lý ruột do sữa bò, nhiễm giun móc và thai kỳ của mẹ. Các đối tượng thường dễ bị thiếu hụt sắt là:
- Trẻ sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp.
- Trẻ thường uống sữa bò hoặc sữa dê trước 1 tuổi.
- Trẻ không được ăn thêm thực phẩm có chứa sắt sau 6 tháng tuổi.
- Trẻ em mắc các bệnh lý nền như nhiễm trùng mãn tính hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa
- Các bé gái tuổi teen đã bắt đầu có kinh nguyệt
Nếu không can thiệp kịp thời, có thể dẫn tới tình trạng thiếu máu do thiếu sắt cùng các bệnh lý nguy hiểm khác.
Kẽm
Thiếu kẽm có thể xảy ra trên những trẻ mắc các vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ kẽm hoặc chế độ ăn uống không cung cấp đủ vi chất này.
Kẽm có nguồn gốc từ động vật được hấp thụ vào cơ thể tốt hơn kẽm có nguồn gốc thực vật. Do vậy, người ăn chay và thuần chay, những người ăn kiêng dài hạn khác, có nguy cơ thiếu kẽm cao hơn. Điều này dẫn tới những trẻ bú mẹ thuộc các đối tượng trên thường cần được bổ sung kẽm định kì.
Ngoài ra, trẻ sinh non, còi cọc, hoặc trẻ bú mẹ hoàn toàn trong hơn 6 tháng đầu đời cũng có nguy cơ thiếu kẽm cao do nguồn cung thấp nhưng nhu cầu tăng cao.
Dấu hiệu trẻ thiếu sắt và kẽm
Sắt
Hầu hết các triệu chứng thiếu sắt ở trẻ em không xuất hiện cho đến khi thiếu máu do thiếu sắt xảy ra. Các triệu chứng của trẻ thiếu máu do thiếu sắt có thể bao gồm:
Môi, nướu, mép mí mắt hoặc móng tay nhợt nhạt
Nhợt nhạt là một dấu hiệu dễ nhận biết của thiếu máu. Trong điều kiện bình thường, hemoglobin trong hồng cầu mang lại màu đỏ tươi cho máu. Khi thiếu sắt, hemoglobin giảm, làm giảm lượng máu đỏ cung cấp đến các mô.
Các khu vực dễ quan sát nhất là môi, nướu, mép mí mắt (khi kéo mí mắt dưới xuống, phần trong thường có màu đỏ), và móng tay. Nếu những vùng này nhạt màu hơn bình thường, rất có thể trẻ đang bị thiếu máu do thiếu sắt.
Mệt mỏi và uể oải, trẻ luôn kiệt sức
Thiếu sắt dẫn đến giảm oxy trong máu, khiến các cơ quan không nhận đủ năng lượng để hoạt động. Trẻ em vốn cần nhiều năng lượng để phát triển và vui chơi, nhưng khi bị thiếu sắt, trẻ thường xuyên mệt mỏi, luôn muốn nằm nghỉ thay vì tham gia hoạt động. Trạng thái này kéo dài có thể ảnh hưởng đến học tập, giảm tập trung, và chất lượng cuộc sống của trẻ.
Khó thở khi vận động, gắng sức
Khi hemoglobin giảm, máu không thể mang đủ oxy để cung cấp cho cơ thể khi trẻ vận động, khiến trẻ dễ bị hụt hơi.
Những hoạt động bình thường như chơi đùa, leo cầu thang, hoặc thậm chí đi bộ cũng có thể khiến trẻ cảm thấy khó thở. Trẻ có thể thở hổn hển, phải dừng lại thường xuyên để nghỉ hoặc cảm thấy chóng mặt sau các hoạt động này.
Tay chân lạnh
Khi thiếu sắt, cơ thể tập trung cung cấp máu và oxy cho các cơ quan quan trọng như tim và não, dẫn đến việc tay và chân hoặc những phần ngoại vi khác nhận được ít máu hơn. Điều này làm trẻ cảm thấy lạnh ở tay và chân, ngay cả trong môi trường ấm áp. Hiện tượng này cũng liên quan đến việc lưu thông máu kém do thiếu máu.
Chán ăn
Thiếu sắt có thể làm rối loạn cảm giác thèm ăn của trẻ. Điều này có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn: trẻ ăn ít dẫn đến thiếu dinh dưỡng, và tình trạng thiếu sắt lại khiến trẻ tiếp tục chán ăn.
Ngoài ra, khi trẻ thiếu sắt nghiêm trọng, cơ thể tập trung vào duy trì các chức năng cơ bản, làm giảm năng lượng để thực hiện hoạt động tiêu hóa.
Thở nhanh, không đều
Cơ thể trẻ sẽ cố gắng bù đắp lượng oxy thiếu hụt bằng cách tăng tốc độ hô hấp. Trẻ có thể thở nhanh hơn, đặc biệt khi ngủ hoặc sau khi hoạt động thể chất. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhịp thở của trẻ không đều, kèm theo tiếng thở khò khè hoặc khó khăn. Đây là tín hiệu cần được chú ý ngay lập tức.
Dễ nhiễm trùng thường xuyên
Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào miễn dịch như bạch cầu, giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh.
Khi thiếu sắt, hệ miễn dịch suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là cảm cúm, viêm đường hô hấp, hoặc các bệnh tiêu hóa. Trẻ bị thiếu máu thường mất nhiều thời gian để hồi phục sau bệnh và có nguy cơ tái phát cao hơn.
Kẽm
Thiếu kẽm có thể dẫn đến những thay đổi trên cơ thể trẻ như:
Hệ thống miễn dịch bị suy yếu
Kẽm là một khoáng chất quan trọng tham gia vào hoạt động của các enzym trong hệ thống miễn dịch. Khi thiếu kẽm, cơ thể trẻ sẽ không đủ khả năng sản xuất các tế bào miễn dịch, như tế bào lympho T, dẫn đến giảm khả năng chống lại các mầm bệnh. Hậu quả là trẻ dễ nhiễm trùng, cảm cúm, viêm hô hấp hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.
Có thói quen cắn móng tay
Thiếu kẽm ảnh hưởng đến hành vi và tâm lý của trẻ. Sự thiếu hụt kẽm làm gia tăng tình trạng lo lắng hoặc cảm giác bất an, có thể khiến trẻ phát triển thói quen như cắn móng tay như một cách giảm stress.
Kén ăn hoặc chán ăn
Kẽm tham gia vào việc kích thích cảm giác thèm ăn bằng cách điều hòa các enzym tiêu hóa và đồng hóa chất độc trong cơ thể. Thiếu kẽm khiến trẻ chán ăn, giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, đây là lý do trẻ có thể chậm tăng trưởng.
Trẻ tiếp thu chậm, khó tập đọc, tập viết
Vi chất kẽm có vai trò đối với chức năng thần kinh và các hoạt động não bộ. Khi thiếu kẽm, các tế bào não sẽ không đủ khả năng truyền tín hiệu, dẫn đến khả năng tập trung và tiếp thu kiến thức bị giảm sút.
Có thể xuất hiện vết rạn da
Vi chất kẽm góp phần quan trọng trong việc duy trì độ đàn hồi và sửa chữa mô da. Vì thế, khi thiếu kẽm làm sụt giảm sản sinh collagen, một thành phần chính của da, khiến da dễ bị rạn khi có những thay đổi về cân nặng hoặc phát triển cơ thể.
Rụng tóc, nhiều gàu, tóc khô xơ
Kẽm ảnh hưởng đến việc tổng hợp protein và cấu trúc keratin trong tóc. Thiếu kẽm có thể gây rụng tóc, gia tăng gàu và làm tóc mỏng hơn.
Cách tốt nhất để chống lại tình trạng thiếu sắt và kẽm là bổ sung nhiều thực phẩm giàu 2 vi chất này vào chế độ ăn của trẻ. Để có biện pháp xử trí kịp thời, việc nắm rõ các dấu hiệu của trẻ thiếu sắt và kẽm là vô cùng cần thiết. Mẹ hãy cùng theo dõi các bài viết tiếp theo để của chúng mình để cập nhật các kiến thức chăm con khác nhé!